Chiều nay, 18/12, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Sự kiện do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam –đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) tổ chức với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.
Không để quy hoạch cản trở công nghệ cao
Tại hội nghị, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, giải đáp trực tiếp các mối quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cuộc đối thoại diễn ra thẳng thắn, cởi mở, dân chủ, mà theo Thủ tướng, một xã hội cởi mở, dân chủ là yếu tố dẫn đến thành công.
“Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ diễn ra rất quyết liệt trên toàn cầu thì Việt Nam chúng ta có 3 thế mạnh rất quan trọng, một là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hai là công nghệ thông tin và thứ ba là du lịch”, Thủ tướng nói và hoan nghênh ý định của DAA về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn, khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Việt Nam nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đứng trong nhóm các quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ nền tảng phát triển nông nghiệp, thúc đẩy nhiều ngành khác như công nghiệp chế biến, thực phẩm, công nghiệp sản xuất máy móc và vật tư đầu vào cho nông nghiệp, phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. “Phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Căn cứ một số đề nghị của DAA, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: Không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới được phép đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thay vào đó, cần phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Về đề xuất của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, doanh nghiệp đang phát triển mô hình sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao, Thủ tướng nhất trí việc mở rộng diện tích nuôi tôm. Thủ tướng cho biết sẽ cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì một hội nghị về phát triển tôm chất lượng cao ở Việt Nam trong tháng 1/2017.
Về đề xuất của các doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ tín dụng, Thủ tướng quyết ngay: Phải có một gói tín dụng 50 – 60 nghìn tỷ đồng để phục vụ công việc này với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, nhưng không chỉ cho một ngân hàng thương mại làm việc này mà cho nhiều ngân hàng thương mại. Bởi vì nguyên tắc quan trọng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức.
Cho biết Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do, là thành viên WTO, Thủ tướng đồng ý với ý kiến các doanh nghiệp là Việt Nam cần có hàng rào kỹ thuật đúng quy định và các cam kết hội nhập để bảo vệ nông sản trong nước.
Thủ tướng nhất trí với các ý kiến là cần thiết phải sửa điều 193 Luật Đất đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.
Thủ tướng cũng cho rằng phải tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, hộ cá thể, “chứ để các hộ nhỏ li ti như hiện nay thì khó cạnh tranh trong kinh tế thị trường”.
Thủ tướng cũng đánh giá cao đề xuất của DAA về mô hình phát triển các khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao.
Thí điểm thành lập ngân hàng quỹ đất
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu một số chủ trương. Cụ thể là hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng tiềm năng và lợi thế so sánh, phải tính toán lại sử dụng đất đai có hiệu quả nhất để thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa, đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất.
Cùng với tín dụng, cần thành lập phát triển một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh chủ trương tăng cường liên kết giữa 4 nhà, trong đó liên kết giữa nhà nông và nhà đầu tư là nòng cốt, đặc biệt là xây dựng cho được chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối nông sản, tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị nông nghiệp công nghệ cao trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nền nông nghiệp không chỉ ứng dụng công nghệ cứng, tức là thiết bị, máy móc mà phải biết tranh thủ công nghệ mềm là công nghệ thông tin, mạng xã hội, các phương thức kết nối phi truyền thống…
Phải xắn tay áo vào làm
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ NN&PTNT rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, hiệu quả bền vững; nghiên cứu, có chính sách ưu đãi cho các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách cho nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cả trong nước và quốc tế, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản chất lượng cao có giá trị. Nghiên cứu các loại nhà kính, một số công cụ sản xuất phục vụ nông nghiệp công nghệ cao để phát triển ngành cơ khí, khoa học công nghệ trong nước, đồng thời giảm giá thành đầu tư trong nông nghiệp.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành cơ chế đầu tư tín dụng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, hình thành quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện chính sách về thúc đẩy sức sáng tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên ngân sách cho các nhiệm vụ khoa học, ứng dụng công nghệ sinh học, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin khoa học công nghệ, sử dụng quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trong hỗ trợ các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Ngành Y tế kiểm tra, xác định các sản phẩm nông nghiệp sạch đến người dân, “phải làm mạnh mẽ hơn, công bố cái nào sạch, cái nào tốt” để người tiêu dùng yên tâm.
Yêu cầu rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, UBND các tỉnh, thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi, trước hết là về thủ tục hành chính và có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. “Địa phương phải xắn tay áo lên làm việc này”, Thủ tướng chỉ rõ.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã nhấn nút khởi động chương trình truy xuất nguồn gốc rau an toàn cho TP. Hà Nội và TPHCM.
Doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân
Tại hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch DAA Việt Nam bày tỏ mong muốn đưa ra cách làm mới trong nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân.
“Cách làm mới này sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, từ ngành có giá trị gia tăng và tốc độ tăng trưởng thấp sang ngành có giá trị vượt trội so với các ngành công nghiệp truyền thống và hình thành một chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả cạnh tranh cung cấp sản phẩm có chất lượng”, ông Bình nói.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được trực tiếp học hỏi những kinh nghiệm thành công thông qua kinh nghiệm thực tiễn từ chính các doanh nghiệp hội viên của DAA Việt Nam. Chẳng hạn như mô hình sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung; kinh nghiệm của “lão nông triệu đô” Võ Quan Huy tự xây dựng chuỗi giá trị của riêng mình – từ chăn nuôi bò, nuôi tôm thịt đến trồng chuối xuất khẩu.
Bên cạnh đó, DAA Việt Nam đã giới thiệu đề án ứng dụng công nghệ số trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm – “Sử dụng tem thông minh DAA STAMP truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng Thực phẩm an toàn”. DAA Việt Nam cũng ký kết 2 thỏa thuận hợp tác và khởi động mô hình thí điểm truy xuất nguồn gốc rau an toàn với UBND TP. Hà Nội và UBND TPHCM.
(Theo Cổng TTĐT Chính Phủ)
BÌNH LUẬN: